Việc người già chăm sóc răng miệng là điều vô cùng quan trọng, giúp phòng tránh các bệnh lý liên quan đến nướu và răng. Tuy nhiên không ít người cao tuổi lại không chú ý đến điều này.
- Tổn thương ở răng: Một số dấu hiệu tổn thương răng ở người cao tuổi như: Mòn răng, sứt mẻ, răng giòn dễ bị mẻ gãy, dễ bị sâu ở chân răng; tụt nướu, giảm tiết nước bọt, khả năng nhai giảm sút…Nguyên nhân dẫn đến tổn thương răng do quá trình tích tuổi, chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng, uống nhiều nước ngọt có ga. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe răng miệng.
- Khô miệng: Nhiều nghiên cứu cho thấy ở người cao tuổi khỏe mạnh, tổng lưu lượng nước bọt không giảm so với trước đây. Song nhiều người cao tuổi vẫn mắc chứng khô miệng. Nguyên nhân là do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị các bệnh lý khác.
Người mắc chứng khô miệng rất dễ bị mắc một số bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng miệng, có thể có đau, khó ăn, khó nuốt.
- Tổn thương niêm mạc miệng: Nếu vệ sinh răng miệng không cẩn thận thì sẽ dẫn tới tình trạng tổn thương niêm mạc miệng. Cụ thể niêm mạc miệng sẽ bị teo mỏng dần, mất tính đàn hồi, dễ bị chấn thương và nhiễm khuẩn. Do đó cần khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh niêm mạc miệng ở người cao tuổi.
- Rối loạn chức năng vận động và cảm giác vùng miệng: Người cao tuổi dễ bị rối loạn phản xạ nuốt và vận động cơ miệng. Nhiều người cao tuổi mắc chứng chán ăn, ăn không biết ngon, vị giác suy giảm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở người cao tuổi khứu giác ít bị ảnh hưởng nhưng vị giác lại giảm dần theo tuổi cao. Do không cảm nhận được mùi vị, suy yếu cơ vận động miệng, giảm tiết nước bọt là các yếu tố làm cho người cao tuổi chán ăn, suy dinh dưỡng và gầy yếu.
Thăm khám nha sĩ thường xuyên theo lịch trình là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng của mỗi người. Việc thăm khám thông thường xuyên hoặc không thăm khám có thể khiến phát sinh các bệnh lý về răng miệng. Chính vì vậy, người cao tuổi nên đi khám răng miệng định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng hiệu quả và điều trị các bệnh lý liên quan nếu có.
Các bác sĩ luôn khuyên mọi người nên đánh răng hai lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Một số nha sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên đánh răng giữa các bữa ăn. Việc đánh răng hai lần một ngày là một thói quen tốt đối với những người cao niên, thực hiện điều này đều đặn hàng ngày là một điều hoàn toàn cần thiết và tốt cho răng miệng.
Đặc biệt khi đánh răng, hầu hết các nha sĩ sẽ khuyên những người cao tuổi nên sử dụng bàn chải đánh răng mềm, tốt nhất là nên sử dụng kem đánh răng có chứa florua, chải đầy đủ hai phút mỗi lần.
Dùng chỉ nha khoa là một phần rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, tuy nhiên, nhiều người lại không sử dụng. Với việc dùng chỉ nha khoa hàng ngày, những người cao niên có thể cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng.
Canxi là một phần quan trọng của sức khỏe răng miệng đối với người cao niên. Đặc biệt người cao tuổi cần tăng lượng canxi để duy trì sức khỏe răng miệng tốt nhất có thể vì người có tuổi cao dễ bị loãng xương và điều này có thể làm ảnh hưởng xương xung quanh răng. Việc bổ sung canxi để chống loãng xương và giữ cho răng chắc khỏe là điều hoàn toàn cần thiết.