Trám răng là một thủ thuật nha khoa quen thuộc giúp tái tạo lại vẻ đẹp của hàm răng, phục hồi chức năng ăn nhai. Vậy trám răng sẽ mang lại lợi ích gì? Trường hợp nào cần trám răng? Để hiểu thêm về vấn đề này, hãy theo dõi bài viết ngay dưới đây nhé.
Trám răng là thủ thuật sử dụng vật liệu để thay thế cho phần mô răng bị khiếm khuyết về mặt hình thể răng. Từ đó, bác sĩ sẽ tạo hình ở các vị trí khác nhau trên thân răng như cạnh răng, rìa răng, mặt nhai, mặt trong, cổ răng…để hoàn thiện hình thể và bảo vệ răng. Hiện nay trám răng thẩm mỹ được rất nhiều người ưa chuộng.
Sâu răng là do các vi khuẩn gây nên và thường tập trung ở các mảng bám và sau đó phân hủy thành axit lactic gây tiêu canxi, tạo ra lỗ trên bề mặt răng.
Sâu răng có thể do xuất phát từ khiếm khuyết của men răng. Men răng dễ hòa tan trong acid do cấu tạo thành phần muối khoáng ở bề mặt men răng. Bề mặt men răng có nhiều trũng, rãnh sâu, dễ tích tụ thức ăn nhưng khó chải rửa sạch, lâu ngày sẽ sinh axit gây sâu răng tại các trũng, rãnh này.
Sử dụng vật liệu trám sẽ giúp bịt kín lỗ sâu răng, ngăn không cho vi khuẩn tấn công và hủy hoại tủy răng. Chính vì vậy, cần ứng dụng phương pháp trám răng khi răng bị sâu.
Khi răng bị vỡ, mẻ do tai nạn thì trám răng lại là một giải pháp hiệu quả để tái tạo phần răng bị khuyết điểm, đảm bảo chức năng ăn nhai.
Răng bị mòn một phần do chải răng quá mạnh (chải theo chiều ngang), sử dụng bàn chải lông cứng, làm lớp men vùng cổ răng bị mòn và lộ lớp ngà răng. Nghiến răng cũng là một trong những nguyên nhân gây gây mòn cổ răng, mòn mặt nhai, rìa cắn.
Hơn nữa, việc sử dụng nhiều đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit cũng rất dễ gây mòn men răng. Một khi men răng bị mòn sẽ rất dễ bị kích thích và ê buốt khi gặp nóng hoặc lạnh. Khi đó, trám vết mòn sẽ là biện pháp để bảo vệ lớp ngà răng, giúp giảm ê buốt, đau nhức.
Trám răng cũng là một trong những phương pháp thẩm mỹ được áp dụng với thể trạng răng bị ố, xỉn màu. Đây là một trong những cách thức giúp răng trắng sáng, cải thiện màu cho răng.